Mùa thi – mùa của những áp lực và lo lắng, nhất là những nỗi sợ hãi của học sinh đối với môn toán. Học trước quên sau là tình trạng mà nhiều phụ huynh đau đầu để giải quyết nhất. Với các bạn nhỏ tiểu học, ép con học quá, bố mẹ thương con, nhưng nếu con không học thì con sẽ đuối hơn các bạn và cũng lại sợ đi học vì xấu hổ, tự ti. Dẫu thế nào thì việc học tập mỗi mùa thi cũng ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý các em nhỏ. Vậy đâu là phương pháp giúp cha mẹ học toán cùng con và giúp con giải phóng khỏi nỗi sợ các con số?
Mùa thi gần đến!
Trước hết cha mẹ hãy cùng con trút bỏ quan niệm: ôn tập, tổng hợp kiến thức là rất nhiều kiến thức phải học thuộc, nhiều bài tập phải làm. Cha mẹ hãy loại bỏ từ “phải” – ép buộc, bắt buộc – ra khỏi các câu nói của mình đối với con.Tâm lý ôn tập Toán như đang tìm hiểu cuộc sống sẽ tạo hứng thú cho cả cha mẹ và các em hơn. Hãy cùng học toán bắt đầu từ môi trường xung quanh các bạn nhỏ như ngôi nhà, trường học. Và bởi Toán là một môn tư duy nên cha mẹ có thể liên tục đặt câu hỏi cho các con để kích thích các con tìm câu trả lời.
Cha mẹ hãy liên tục thay đổi phương pháp và thử nghiệm phương pháp học mới cùng con:
Cha mẹ cùng con học hình học qua hình dáng các đồ vật trong nhà. Cha mẹ có thể đố con biết cái cửa là hình gì, cái bàn, cái khăn trải bàn, cái ống khói…bất cứ đồ vật nào có trong nhà, hãy đố con xác định hình dáng của chúng. Từ đó, cha mẹ có thể đặt nhiều vật cùng nhau để giải thích và so sánh sự khác biệt giữa chúng cho con hiểu và biết cách nhận dạng các hình ở môi trường khác. Cách làm trên vừa giúp các bạn nhỏ nhận biết được các hình trong hình học, vì giúp các em ghi nhớ được vị trí của từng đồ vật trong nhà mình. Khi các em học về cách tính diện tích, chu vi các hình, cha mẹ có thể giúp bé thực hành cả 2 cách tính: tính theo công thức trên giấy và đo thực tế. Khi đó, các em vừa được tự so sánh kết quả, lại thấu hiểu toán có thể áp dụng ngay vào thực tiễn. Khi đo độ dài của các vật, các em được biết thêm về các dụng cụ đo như thước kẻ, ê ke, compa, thước vải, dây đo, cũng như rèn luyện khả năng tính tổng hiệu, nhân chia. Đây thực sự là một phương pháp có quá nhiều lợi ích mà cha mẹ nên áp dụng để giúp bé phát triển đồng đều cả 2 bán cầu não: não trái về tính toán tư duy, còn não phải là tưởng tượng, hình dung.
Tập cho trẻ thói quen sử dụng thành thạo cả hai bán cầu não
Một cách học thực tiễn khác mà các bạn học sinh có thể tự thử nghiệm đó là gắn môn Toán với việc đến trường mỗi ngày. Nếu các bạn đi xe đạp, các bạn có thể tự tính thời gian đi từ nhà đến trường, từ đó tính vận tốc mình đi vì đã biết độ dài quãng đường. Nếu độ dài quãng đường các bạn chưa biết, các bạn có thể hỏi cha mẹ hoặc tự tra cứu trên bản đồ điện tử (google map). Các bạn tập tính mỗi ngày sẽ nhớ được công thức tính vận tốc, từ công thức đó, các bạn tính thời gian, quãng đường. Ví dụ một ngày mưa gió, các bạn được bố mẹ đưa đến trường bằng xe máy, ô tô, thì các bạn được biết vận tốc ghi trên xe rồi, các bạn có thể tính thời gian. Cách học này rất dễ áp dụng phải không nào?
Hay các bạn nhỏ có thể tập làm phép tính bằng các loại hạt, kẹo, đồ ăn hay đồ chơi. Hoặc biến toán thành các câu đố vui giúp ôn lại bài. Cha mẹ cũng có thể cho các em làm quen với tiền tệ với những bài toán quy đổi tiền tệ của các quốc gia khác nhau, chú ý là nếu có những tờ tiền thật thì rất thú vị.
Khi các bạn học, chơi, làm việc nhà, các bạn cũng có thể tự đặt ra các bài toán về thời gian hay dùng óc quan sát của mình để ghi nhớ vị trí các đồ vật. Việc rèn luyện tư duy toán học và học toán vốn có bản chất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của các bạn.
Một số công thức Toán yêu cầu các bạn phải học thuộc thì các bạn có thể dùng chính môn Toán để có phương pháp học. Ví dụ, tính số lượng kiến thức, bài tập phải làm, tính số dụng cụ (giấy, bút, thước…) cần sử dụng, tính diện tích và tìm vị trí để dán các tờ giấy nhớ ghi kiến thức. Nơi các bạn ngồi ăn, các bạn dán vào mặt bàn. Tại giường ngủ, các bạn dán lên trần nhà….Các bạn hãy thử phương pháp này để biết hiệu quả tuyệt vời của nó nhé!
Toán học không phải chỉ là những con số khô khan
Các phương pháp học trên đều lấy người học làm trung tâm. Đầu tiên cha mẹ, thầy cô cho các em làm quen với các sự vật, hiện tượng, hình ảnh gần gũi với cuộc sống. Sau đó, cho các em tập vẽ lại những hình ảnh đại diện cho các đối tượng đó hoặc miêu tả bằng lời những gì các em đang tưởng tượng trong đầu. Tiếp theo, các em được học viết số để đánh dấu các hình ảnh đó, đôi khi là dùng các kí hiệu toán học. Cuối cùng mới là học khái niệm và các định lý, tiên đề.
Với những phương pháp tối ưu này, mùa thi với các bạn học sinh thật nhẹ nhàng và kết quả ôn luyện chắc chắn rất tốt. Các bạn là những học sinh đầy tố chất, thông minh và là những tài năng toán học. Hãy biến việc học toán trở thành một công cụ để các bạn khám phá thế giới rộng lớn và tràn đầy điều kì diệu này nhé!