Đã là gia đình, sẽ có mâu thuẫn. Khi thì giữa vợ chồng xung đột, khi thì giữa cha mẹ và con cái không tìm được tiếng nói chung. Nhưng dù tranh cãi đến đâu, xuất phát cũng đều ở lòng tốt mà không thể biểu đạt ra cho đối phương hiểu. Chúng ta thật dễ dàng tìm kiếm những mẩu tin, bài viết về kỹ năng thấu hiểu con cái, làm thế nào để hiểu con hơn, cha mẹ cần làm gì để con nghe lời…mà thật hiếm hoi có đôi ba dòng chia sẻ rằng cha mẹ mong muốn được con cái thấu hiểu điều gì. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái vốn là mối quan hệ hai chiều, vậy mà xưa nay chúng ta lãng quên đi đặc quyền của người làm cha, làm mẹ là được con cái thấu hiểu, sẻ chia. Trẻ con có những vấn đề của trẻ con, người lớn cũng có những vấn đề của người lớn. Khoảng cách giữa hai thế hệ là sự sẻ chia còn không có, thì hiểu nhau chỉ là hời hợt. Cha mẹ mong con thành đạt, hạnh phúc và luôn tìm mọi cách trao cho con điều tốt đẹp nhất. Cha mẹ muốn các con hiểu điều đó, kể cả việc cha mẹ tăng ca, làm thêm giờ, đi làm ngày chủ nhật…cũng là vì muốn tốt cho con. Câu chuyện dưới đây, chúng ta đã từng đọc nhiều lần, nhưng hôm nay chúng ta hãy cùng lắng lại suy ngẫm sâu sắc hơn:
Người con trai hỏi cha:
“Cha ơi, con hỏi cha một câu hỏi được không ạ?”
“Tất nhiên là được rồi, con trai” – Người cha đáp
“Trong một giờ làm việc của cha được trả bao nhiêu tiền ạ?”
“Tại sao con lại quan tâm về thu nhập của cha thế?”
“Con chỉ tò mò muốn biết thôi mà, cha trả lời cho con biết đi mà cha” – Cậu bé nài nỉ
“Nếu con cần biết thì cha nói cho con biết, cha kiếm được 50 ngàn một giờ”
“Vậy ạ” – Cậu bé cúi mặt đáp – “….Cha có thể cho con xin 25 ngàn được không ạ?”
Người cha cáu gắt:
“Nếu con hỏi ta như vậy chỉ để muốn xin tiền mua đồ chơi hay cái gì đó vớ vẩn thì thôi đi và hãy đi về phòng. Hãy suy nghĩ xem tại sao con lại ích kỷ như thế. Cha phải làm việc vất vả để nuôi con ăn học. Cha không có hơi để tiếp con mấy chuyện như thế này đâu”
Cậu bé đi về phòng và đóng cửa lại. Người đàn ông ngồi xuống và nghĩ đến điều con trai nói, ông càng tức giận hơn, ông tự hỏi “Tại sao nó hỏi mình về thu nhập chỉ để xin tiền như vậy chứ?”
Sau khi bình tĩnh lại, ông thấy mình đã quá nghiêm khắc với con, có thể nó muốn có 25 ngàn cho một việc gì đó quan trọng thì sao. Vì nó cũng không hay xin tiền mình. Do đó, ông tiến về phòng con trai và hỏi:
“Con à, đã ngủ chưa con?”
“Dạ, con chưa ngủ ạ”
“Cha nghĩ mình đã quá nghiêm khắc với con. Hôm nay cha đã rất mệt mỏi. Đây là 25 ngàn, con cầm lấy đi”
Cậu bé bật dậy, ôm lấy cha và nói: “Con cảm ơn cha”
Rồi nó lấy ra một cái hộp, trong đó có những đồng tiền lẻ. Nhìn thấy tiền của thằng bé, người cha cảm thấy tức giận. Cậu bé đếm số tiền rồi nhìn cha nó.
“Tại sao con có tiền rồi còn xin ta làm gì?”
“Dạ, vì con không đủ…., nhưng giờ thì đủ rồi. Cha ơi, giờ con có 50 ngàn, con có thể trả cho cha. Cha hãy chơi với con một giờ được không cha?” – Cậu bé nói
Người cha im lặng, ông ôm cậu bé vào lòng: “Cha xin lỗi”
Cậu bé trong câu chuyện trên có hiểu cha của cậu vất vả vì gia đình không? Chỉ một phần nào đó, cậu bé hiểu thời gian của cha rất đáng giá, cậu đã hỏi về số tiền cha được trả trong 1 giờ đồng hồ. Cậu bé cũng giống như nhiều bạn nhỏ khác, nhớ một điều duy nhất rằng cha mẹ bận đi kiếm tiền. Nếu chúng ta để ý một chút sẽ thấy, cái tư tưởng và niềm tin về cha mẹ bận rộn ấy đã được gieo rắc vào đầu trẻ con ngay khi chúng mới bi bô tập nói chuyện. Khi có ai hỏi “Mẹ cháu đi đâu rồi? Cha cháu đi đâu” người lớn sẽ dạy các em trả lời: “Mẹ cháu đi làm/Cha cháu đi công tác” – “Cha mẹ đi làm để làm gì nhỉ?” Đứa bé nhanh nhảu đáp: “Để kiếm tiền mua sữa/bim bim/nuôi cháu ạ!” Hệ lụy từ niềm tin này gây ra phức tạp hơn người lớn vẫn nghĩ rất nhiều. Những đứa trẻ ấy, chúng cảm thấy do cha mẹ phải nuôi các em, cho các em ăn học nên cha mẹ không có ngày nghỉ, không thể đưa các em đi chơi hay đơn thuần dành một ngày chỉ để ôm các em vào lòng mà vỗ về, âu yếm. Vậy thì tại sao cha mẹ phải đi làm? Nếu các em nói các em không cần những thứ ấy thì cha mẹ sẽ hết bận rộn đúng không? Với tư duy của con trẻ thì nguyên nhân ở đâu sẽ giải quyết vấn đề tại đó, và các em cảm thấy bản thân chính là nguyên nhân khiến cha mẹ vất vả. Thật đáng buồn vì sự thấu hiểu này của con cái dành cho cha mẹ lại là sự hiểu lầm. Rõ ràng về hình thức đều là hiểu cho lý do xa cách với cha mẹ, nhưng về bản chất thì các em tự trách bản thân và một vài em sẽ trách cha mẹ. Cậu bé trong câu chuyện quả thực thông minh khi muốn dùng tiền mua thời gian của cha cậu. Trong lòng người cha thì khao khát cậu bé hiểu cho sự bận rộn của mình mà chưa một lần muốn chia sẻ. Thiết nghĩ, đây là một tình huống phổ biến trong hầu hết các gia đình hiện nay.
Những người làm cha, làm mẹ không chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái cho đến năm đủ tuổi về mặt pháp luật, mà còn luôn nỗ lực để cho con một cuộc sống tốt nhất xuất phát từ tình phụ tử, tình mẫu tử thiêng liêng. Thương con không có quần áo mới, không có nhiều trải nghiệm du lịch như các bạn, cha mẹ cật lực làm việc. Thương con mỏi mắt vì đèn học tối hay góc học tập không rộng đẹp, cha mẹ cũng cật lực làm việc. Với cha mẹ phải lo toan kinh tế thì tiền sẽ đáp ứng đầy đủ vật chất cho các con. Cha mẹ kiếm tiền để con được hưởng thụ những dịch vụ tốt nhất. Đó chính là điều cha mẹ mong muốn con cái hiểu cho cha mẹ. Cha mẹ ép con học cũng vì lo lắng con thua kém bạn bè, sâu sa hơn là tương lai không thể tự nuôi sống bản thân, nhưng họ hiếm khi nói với con về mục đích cao đẹp ấy. Dẫu biết rằng cha mẹ chỉ hi sinh thầm lặng, bền bỉ. Nếu không nói ra, liệu rằng con cái có thể hiểu? Hầu như là không thể, vì trẻ con suy nghĩ đơn thuần hơn, vậy nên có rất nhiều câu chuyện đau lòng và cảm động mà những người làm con chia sẻ lại sau khi đã mất cha mẹ hoặc chính bản thân đã trở thành ông bố bà mẹ. Những khoảnh khắc ấy, đôi khi thật muộn màng và nuối tiếc.
Cha mẹ mong muốn con cái hiểu việc cha mẹ ép con ăn những đồ con không thích là vì muốn giữ sức khỏe cho con.
Các con thường rất nhớ sự cấm đoán của cha mẹ. Các con bị cấm ăn các loại thực phẩm như bim bim, gà rán, khoai tây chiên,…gần như các loại đồ ăn hấp dẫn trẻ em hiện nay. Nhưng ngược lại, các con mau quên những đêm mình ốm sốt được cha mẹ chăm sóc, chạy đôn chạy đáo đưa đi bệnh viện. Hơn ai hết, cha mẹ lo cho sức khỏe của các con hơn sinh mạng của chính mình.
Cha mẹ luôn muốn mang cho con tiếng cười và sự thoải mái
Đó là lý do mà cha mẹ ghi nhớ ngày sinh nhật của con, gặp gỡ bạn bè của con, đưa con đi dã ngoại hay nấu món con thích ăn…chỉ để đổi lấy nụ cười rạng rỡ của con trẻ. Nụ cười vô tư ấy giúp cha mẹ cảm nhận sự đền đáp xứng đáng mà cha mẹ đã vất vả suốt thời gian trước đó.
Cha mẹ muốn con được an toàn trong ngôi nhà của mình
Dồn tiền của để xây dựng một ngôi nhà khang trang hay mua căn hộ chung cư mới sẽ đẩy cha mẹ vào hoàn cảnh nai lưng ra kiếm tiền trả nợ, nhưng cha mẹ vẫn quyết định thực hiện. Vì một lẽ muốn con có một căn nhà kiên cố, không lo mưa dột, mùa hè có điều hòa mát rượi, mùa đông có chăn ấm đệm êm. Khi con được an toàn tuyệt đối, cha mẹ sẽ an tâm làm việc.
Cha mẹ mong con cái thành đạt và có sự nghiệp ổn định
Cuộc sống ngày nay đề cao giá trị của tiền vì tiền là công cụ để đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt, nâng cao mức sống của con người. Cha mẹ nhiều khi ngăn cản con theo đuổi đam mê vì hiểu cuộc sống cạnh tranh khốc liệt, trong khi con còn chưa có sự chuẩn bị tốt nhất để thành công với đam mê ấy. Khi các con trưởng thành, các con sẽ có nhu cầu riêng, sẽ gánh vác thêm những trách nhiệm và nghĩa vụ như cha mẹ đang gánh vác. Vậy nếu có sự nghiệp, có công việc, có tài chính dồi dào, con cái sẽ không vất vả như cha mẹ.
Cha mẹ mong muốn con hiểu cha mẹ cũng có lúc mệt mỏi, bực dọc mà nguyên nhân vì áp lực từ bên ngoài như công việc, bạn bè, tài chính, chứ không phải do các con.
Phản ứng cáu giận, thất vọng trước những gì con cái chưa làm tốt khi cha mẹ đã kì vọng quá nhiều là một phản ứng bình thường, tự nhiên và khó tránh khỏi. Tiếc là con trẻ dễ bị tổn thương vì những nỗi bực dọc đó mà phản kháng lại và xa cách cha mẹ hơn. Nhìn thấy bài kiểm tra điểm 1, cuốn vở trống trơn vì con không ghi bài thì bà mẹ nào cũng sẽ phát điên lên và không thể giữ bình tĩnh. Cha mẹ nhắc nhở, mắng nhiếc, con bực dọc, hỗn hào cãi lại. Có khi cha mẹ lỡ tay đánh con, làm con đau đớn đòi bỏ nhà đi. Nhưng con là khúc ruột, là một phần da thịt của cha mẹ, lẽ nào cha mẹ tự mình đánh mình mà không đau sao? Cha mẹ sau khi bớt giận dữ hơn sẽ tự thấy hối hận và xin lỗi con.
Cha mẹ muốn mình thật thành công để con cái yên tâm khi nhìn thấy những thành công đó.
Những người làm cha làm mẹ luôn nỗ lực làm việc đôi khi không phải vì để mua sắm bộ quần áo đẹp, xe sang hay khoe khoang với bạn bè, mà cha mẹ muốn con cái nhìn thấy sự đầy đủ, dư dả nơi gia đình, không để con cái phải lo lắng trước tuổi. Một trong những câu nói mà các bà mẹ vẫn chia sẻ cùng nhau, chính là “nhìn con vui mẹ lại có thêm động lực để làm việc”. Phấn đấu cho sự nghiệp vì con cái, cũng là một trong những hạnh phúc mà cha mẹ xây dựng.
Cha mẹ hạnh phúc khi thấy con được ăn ngon mặc đẹp, được học hành đàng hoàng, sống tử tế. Con cái hạnh phúc khi thấy cha mẹ ở bên, vui chơi và học bài cùng mỗi ngày. Chênh lệch và khác biệt nhau về nhu cầu chỉ có thể được hóa giải bằng hai từ “thấu hiểu” mà thôi. Vậy nên cha mẹ hãy cho các con quyền được tìm hiểu, được sẻ chia, được gánh vác trách nhiệm gia đình cùng với mình. Khi đó, người làm cha sẽ hoàn thành trọng trách “đàn ông xây nhà”, còn người làm mẹ hoàn thành sứ mệnh “đàn bà xây tổ ấm”.