Trước khi đi vào vấn đề, chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm thế nào là “đủ” – cần bao nhiêu thời gian mỗi ngày học cùng con – đối với từng người, khái niệm này lại được hiểu theo một cách khác nhau. Có thể với nhiều bậc cha mẹ có con tự giác và yêu thích việc học, thì cha mẹ chỉ cần dành thời gian 30 phút để hỏi các vấn đề học tập của con hoặc cha mẹ chỉ cần quan tâm con học 5 phút đầu giờ và 5 phút khi đã đến lúc con phải nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, có rất nhiều bà mẹ vật vã khi cùng con học mỗi ngày 2 – 3 tiếng đồng hồ mà “dốt vẫn hoàn dốt”, ngày nào cũng như một “trận chiến không hồi kết” khiến cho căn nhà muốn nổ tung lên. Tiếng gào khóc của con, hậm hực tức giận, hay cha mẹ than vãn, quát nạt. Đối lập với cảnh tượng đó, có những căn nhà im lìm đến lạ thường, dù vào ban ngày hay đêm khuya, chỉ có các con lủi thủi tự học một mình.
Trong những gia đình đó, các bạn học sinh khi đã lớn thêm một chút sẽ đi học thêm ở ngoài đến muộn mới về, cha mẹ vẫn bận rộn như thế, hầu như con không gặp cha, con suýt quên mặt mẹ. Đến một ngày nào đó, nhà trường gọi phụ huynh yêu cầu gặp trao đổi về tình trạng học của con, cha mẹ mới tá hỏa giống như “ồ, tôi còn có một đứa con, sao nó lại gây rắc rối rồi?” Ngoài xã hội kia, biết bao những cảnh tượng còn bi hài hơn thế, mà hệ lụy sau cùng phải gánh chịu nặng nề nhất chính là những đứa con. Vậy một ngày cần học với con bao nhiêu thời gian là đủ? Có lẽ câu trả lời phụ thuộc vào mỗi gia đình, hoàn cảnh và tính chất công việc của cha mẹ.
Nếu các bậc cha mẹ đã nhận ra vấn đề rằng học cùng con không phải là làm bài hộ con hay nhất định bản thân phải giỏi mới có thể dạy con, mà đơn giản là ngồi lại bên con, hỏi con có gì cần cha/mẹ giúp không, con gặp khó khăn trong môn gì không và tôn trọng quyền quyết định của con học gì, học như thế nào. Thì các bậc cha mẹ cũng nên sống chậm lại một chút, tự cha mẹ vạch ra thật rõ ràng những kỳ vọng của bản thân ở con cái. Cha mẹ muốn con học bao nhiêu giờ đồng hồ một ngày? Thời gian rảnh của cha mẹ có thể toàn tâm toàn ý dành cho con là ngày nào, giờ nào. Phải thật rõ ràng, cụ thể và chi tiết. Sự rõ ràng đó giúp cha mẹ định hình về kết quả liệu bản thân có đáp ứng được nhu cầu ngồi học cùng con hay không. May mắn hơn, cha mẹ xác định được sẽ có các khung giờ, các ngày cố định để học cùng con.
Trong cuộc sống, chắc hẳn vấn đề các cô gái sau khi kết hôn trở thành “bà nội trợ” tại nhà không còn xa lạ với chúng ta. Không phải cô vợ không thể kiếm được việc làm, cũng không phải việc nhà khó đến mức phải nghỉ việc. Mà đơn giản vì người chồng muốn, người vợ muốn những đứa con của mình sau này được đón nhận sự đồng hành của cả cha lẫn mẹ trong suốt quá trình học tập, trưởng thành. Việc nhà còn có thể thuê ô sin làm, nhưng việc chăm con, dạy con không thể “thuê mẹ” khác được. Người ta nói, đi học con noi gương thầy cô, còn ở nhà con noi gương cha mẹ. Vẫn có nhiều gia đình, cha mẹ trí thức, là người thành đạt nhưng con cái lười học, chán học, muốn bỏ học. Sâu sa ít ai hiểu rằng, niềm đam mê học tập của con đã không còn từ rất lâu rồi.
Vấn đề tiếp theo mà cha mẹ cần xác định chính là bản thân đặt mục tiêu cho con học tốt môn nào, phát triển những tài năng gì. Thành công là khi cha mẹ rèn giũa được cho con tính tự lập để con hiểu học là việc của bản thân, con phải tự chịu trách nhiệm với kết quả mình đạt được. Vậy giữa mục tiêu của con và mục tiêu của cha mẹ có sự khác biệt gì, chênh lệch nhau về mức độ kỳ vọng ra sao, cha mẹ cũng nên nắm được.
Các con có lập luận của riêng mình, cha mẹ phải thật chậm rãi khi nói chuyện. Nếu con muốn cha mẹ học cùng con, cha mẹ nên đồng ý. Mục đích của việc học cùng con mỗi ngày chính là cha mẹ cho con thời gian ở bên cha mẹ. Một ngày con đi học, cha mẹ đi làm, bữa sáng và bữa tối qua loa cùng nhau, vậy giữa mẹ – con, cha – con đã mất đi khoảng thời gian cùng học, cùng chơi, cùng trò chuyện. Có thể ở trẻ vị thành niên hay các bạn sắp thi đại học, nhu cầu này ít khi được bộc lộ, nhưng nếu cha mẹ chăm lo và học cùng các em trong thời gian ôn thi vất vả đó, thì nó sẽ trở thành kỷ niệm đẹp mà sau này các em thích được “khoe khoang” với bạn bè về sự tuyệt vời của cha mẹ mình. Có khi chỉ là 2 người ngồi đối diện nhau, cha mẹ làm việc, con học bài, khoảng cách gần gũi đó là keo dính gắn kết cả gia đình.
Không chỉ vậy, học cùng con, theo sát từng bước tiến của con, cha mẹ còn thấu hiểu được những khó khăn của con trong việc học. Con ghét tính toán, con không thích ngoại ngữ, con học mãi không vào, con bị điểm kém…ngày nào đi học mà con không xảy ra vài chuyện ở trường. Khi cha mẹ hiểu điểm mạnh, điểm yếu của con, cha mẹ có thể giúp con xây dựng chương trình học cho con để phát huy tài năng và trí tuệ.
Sự xuất hiện của cha mẹ vào mỗi khung giờ học của con cần thường xuyên để tạo thành phản xạ có điều kiện ở con. Phản xạ có điều kiện ở đây chính là con an tâm khi biết mình gặp bài khó, gặp vấn đề rắc rối có thể nói với cha mẹ, để cha mẹ hướng dẫn và giải đáp giúp. Sự đồng hành này lâu dần sẽ trở thành thói quen của cả đôi bên: cha mẹ và con cái. Và đây là một thói quen tuyệt vời!
Thời gian bao nhiêu là đủ để cùng con học, quả thực, cha mẹ có thể sắp xếp để phù hợp với hoàn cảnh, công việc của mình. Đến khi con trưởng thành, con sẽ đi xa cha mẹ. Cha mẹ hãy trân trọng quãng thời gian ngắn ngủi, quý giá này để đồng hành của con nhé!